Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh

Với câu hỏi “What are your strengths, weaknesses?”, bạn nói 1-2 điểm mạnh của bản thân liên quan đến công việc ứng tuyển, chia sẻ điểm yếu ngắn gọn và hứa khắc phục.

Để buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh thành công, đồng thời giúp bạn trở thành ứng viên phù hợp nhất cần suy nghĩ trước một số thông tin sẽ trả lời.

Thầy Ngọc Trung, giáo viên tại Anh Ngữ Ms Hoa hướng dẫn trả lời các câu hỏi tưởng dễ mà khó, tự tin ghi điểm với nhà tuyển dụng.

tieng-anh-phong-van-xin-viec

1. “Can you tell me something about yourself?”

Nhà tuyển dụng sẽ không muốn nghe bạn nói về những thông tin cá nhân như quê quán hay số người trong gia đình. Thay vào đó nên đi sâu vào phẩm chất, tính cách, kinh nghiệm làm việc của bản thân phù hợp với vị trí xin việc hiện tại. Bạn có thể tham khảo cách giới thiệu sau: “Hi I’m… and I’m 25. I’ve been working as a programmer for ABC company for 3 years. My qualifications and work experience make me a suitable candidate for the position. I am looking to join your organization to explore new dimensions and to enhance my skills”.

2. “What are your strengths, weaknesses?”

Đối với điểm mạnh, nên chọn 1, 2 điểm mạnh của bản thân có liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển, đồng thời thêm ví dụ minh họa để tăng tính thuyết phục cho điểm mạnh đó. Có thể tham khảo cách nói: “I believe my best trait is my attention to detail. This trait has helped me tremendously in this field of work”.

Đối với điểm yếu, chỉ nên nói ngắn gọn những điểm yếu không liên quan đến công việc ứng tuyển cũng như lời hứa cố gắng khắc phục trong tương lai gần. “I feel like my ability in negotiation is my weakest trait. But this is only a temporary problem as I’m trying harder to communicate more effectively”.

3. “What are your short/long term goals?”

Câu hỏi về mục tiêu ngắn hạn giúp nhà tuyển dụng xác định liệu ứng viên có phù hợp với công việc sắp đảm nhận hay không, vì thế cần thể hiện mong muốn được cống hiến cũng như sự nỗ lực không ngừng của bản thân: “My short term goal is to find a position where I can use the knowledge and strengths that I have to take part in the growth of the company”.

Câu hỏi mục tiêu dài hạn vừa đánh giá tầm nhìn và định hướng của ứng viên vừa giúp nhà tuyển dụng xác định khả năng gắn bó lâu dài của ứng viên, vì vậy cần xác định rõ định hướng của bản thân trong tương lai trước khi trả lời: “In the long term, I want to take on leadership responsibilities such as being a team leader which I believe my short term goals will help me”.

4. “Why did you leave your last job?”

Câu hỏi này thường xuất hiện khi ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc trước đó. Trong trường hợp được hỏi, bạn nên tránh kể những điều không hay về công ty cũ vì nhà tuyển dụng có thể nghĩ sau này họ hoàn toàn có thể bị kể xấu.

Thay vào đó, ứng viên nên trả lời bằng quan điểm muốn đi tìm những thử thách mới, cơ hội mới. Có thể tham khảo ví dụ “I left my job to find new challenges” hoặc “I’m looking for a job which could fit with my qualifications”.

5. “What are your salary expectations?”

Câu trả lời an toàn nhất cho câu hỏi này thường là mức lương dựa vào kinh nghiệm và hiệu quả làm việc của ứng viên: “I think my salary should be based on my qualifications and experience”.

Ứng viên cũng có thể tìm hiểu trước về mức lương trung bình cho vị trí ứng tuyển, từ đó cân nhắc để cả bản thân và nhà tuyển dụng đều hài lòng: “I do understand that positions similar to this one are usually paid in the range of… to…. I believe with the experience that I have, this range is not too crazy”.

6. “Do you have any questions?”

Đây thực chất là câu hỏi để nhà tuyển dụng kiểm tra ứng viên có thực sự hứng thú và quan tâm với công việc hay không, vì thế đừng vội trả lời không. Đồng thời tránh việc hỏi những câu không phù hợp như “Will I have to work overtime?” hay “How much does this position pay?”.

“Can you tell me about your company’s latest project ?” hay “Can you tell me what is the typical working day for this position?” là một số câu hỏi có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy ấn tượng với ứng viên.

Chìa khóa cho buổi phỏng vấn thành công còn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tâm lý sẵn sàng cho mọi thử thách. Một vài lời khuyên giúp các bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng:

Tìm hiểu trước về công ty: Đây được xem là bước chuẩn bị đầu tiên quan trọng trước khi tham gia một buổi phỏng vấn. Bằng cách này, bạn sẽ có thêm thông tin về công ty đồng thời được bổ sung vốn từ tiếng Anh liên quan đến công ty đó. Bạn có thể lên website để tìm hiểu lĩnh vực hoạt động, tình hình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm, môi trường làm việc của đơn vị.

Thư giãn và tự tin: Sử dụng tiếng Anh trong trạng thái hồi hộp, căng thẳng sẽ khiến phần trình bày của bạn kém trôi chảy. Vì vậy, giữ bình tĩnh, tâm lý thoải mái sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Đến trước giờ hẹn, hít thở thật sâu và nghe một bản nhạc yêu thích giúp bạn thoải mái với những gì đã chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể hợp lý: Kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là cử chỉ tay và gương mặt giúp truyền tải ý tưởng tới nhà tuyển dụng hiệu quả hơn. Không duy trì giao tiếp bằng ánh mắt khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn không đủ tự tin nên hãy giữ sự giao tiếp bằng ánh mắt với tần suất thích hợp. Bạn nên đặt tay lên mặt bàn thay vì khoanh trước ngực hay để dưới và nếu có thể hãy kết hợp di chuyển tự nhiên, phù hợp với nội dung nói.

Lên kế hoạch trước khi trả lời: Thông thường trong một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi một số câu hỏi thông dụng, nên việc lên kế hoạch để trả lời trước cho những câu trả lời đó không phải khó. Bạn có thể viết câu trả lời và luyện tập trước gương để phần trả lời lưu loát hơn.

Tốc độ và cách nói: Trong quá trình phỏng vấn, bạn nên nói chậm và rõ từ để có thời gian sắp xếp câu và câu nói được rõ ràng. Các câu trả lời cũng nên được trình bày ngắn gọn, tránh dài dòng để nhà tuyển dụng hiểu rõ ý muốn truyền tải.

Việt Hùng

Nguồn: VnExpress

Enjoyed this video?
tieng-anh-phong-van-xin-viec
"No Thanks. Please Close This Box!"